Trước kia, bác sĩ rất khó khăn khi tìm một bệnh nhân loạn thần do rượu để giảng cho sinh viên, bởi người nghiện dưới 40 tuổi rất hiếm. Ngày nay, điều đó đã hoàn toàn thay đổi.
3 Giai đoạn của uống rượu
Giai đoạn 1 (trong 5 năm đầu): Lúc này tửu lượng người uống bắt đầu đi lên, tối đa một ngày nửa lít rượu, loại 40 độ cồn (loại rượu trắng bán ngoài thị trường). Giai đoạn này, người uống có các biểu hiện giống suy nhược thần kinh, chưa nghiện rượu, tức bỏ rượu vẫn không có hội chứng cai rượu. Ngay lúc này, tửu lượng của người uống đi lên vì chức năng gan còn tốt, tạo ra nhiều men chuyển hóa rượu ngay ở gan thành năng lượng. Song năng lượng này không tích lũy được, tạo ra bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu. Đây chính là lý do chúng ta bị nóng người khi uống rượu. Giai đoạn này, bệnh nhân mất phản xạ buồn nôn - phản xạ bảo vệ của cơ thể.
Giai đoạn 2 (khoảng 10 năm tiếp theo): Đây là giai đoạn lạm dụng rượu. Lúc này, người uống không thể bỏ rượu, dù chúng gây hại cho cơ thể như tăng huyết áp, loét tá tràng, gan nhiễm mỡ. Về mặt tinh thần, người uống thường chửi bới, gây gổ với người xung quanh. Điểm phân biệt giai đoạn thứ hai này với giai đoạn sau là khi ngừng, người uống chưa có hội chứng cai.
Giai đoạn 3: Mỗi ngày uống trên 300 ml rượu 40 độ cồn thời gian trên 10 năm. Đây chính là giai đoạn được xác định là nghiện rượu.
Dấu hiệu chứng tỏ một người nghiện rượu?
- Một người nghiện rượu được xét trên hai tiêu chí: uống rượu bia liên tục trên 10 năm với lượng tối thiểu là 300 ml loại rượu 40 độ cồn/ngày.
Người nghiện lúc nào cũng nghĩ đến rượu và tìm cách có rượu uống thỏa mãn cơn thèm của mình, giấc ngủ kém, đầy ác mộng. Khi ngủ dậy người nghiện bị run tay, đi lại loạng choạng nhưng khi uống một ngụm rượu, các triệu chứng trên biến mất vì vậy việc đầu tiên người nghiện làm sau khi ngủ dậy là uống rượu. Nếu cứ uống rượu liên tục và đều đặn thì không có hội chứng cai rượu nhưng vì một lý do nào đó như say rượu, bị tai nạn phải nhập viện và không được uống rượu nữa, lúc đó người nghiện sẽ bị rối loạn tâm thần.